Nửa kia của Hitler

Nửa kia của Hitler’ giả định về một chân dung thực

Từ giả thiết: Điều gì xảy ra nếu Adolf Hitler, tên độc tài phát xít của thế kỷ 20, trúng tuyển ĐH Mỹ thuật Viên?, cuốn tiểu thuyết của Eric-Emmanuel Schmitt là cách hình dung lịch sử thế giới từ một số phận cá nhân.


     Ở tuổi 20, Adolf Hitler ­nuôi giấc mộng trở thành họa sĩ. Nhưng sau hai lần bị Đại học Mỹ thuật Viên đánh trượt, Hitler trở thành gã lông bông, nay đây mai đó rồi dần dà tìm được chỗ đứng, trở thành một “con quái vật” khổng lồ của nhân loại nhờ cuộc thế chiến I. Đó là những dòng tiểu sử mà bất cứ ai muốn tìm hiểu đều có thể dễ dàng biết được về một dị nhân của thế kỷ 20, nỗi ám ảnh khôn nguôi của người Do Thái. Đó cũng là căn cứ để tiểu thuyết gia người Pháp bắt đầu một câu chuyện chỉ có trong tưởng tượng.


Nửa kia của Hitler (nguyên tác La part de l’autre) dựng lên hai chân dung song song và đối lập: Adolf H. và Hitler. Cuộc đời hai con người này bị rẽ đôi bởi một quyết định của Đại học Mỹ thuật Viên. Adolf H. trúng tuyển còn Adolf Hitler. trượt. Adolf H. trở thành một họa sĩ tài danh, kết bạn cùng những họa sĩ nổi tiếng như Picasso, André Breton… , tận hưởng cuộc đời bình thường với những người tình và kết thúc sự sống bên cạnh những người thân. Còn Adolf Hitler dần dà căm phẫn cuộc đời, khước từ những mối quan hệ nhân bản với con người và trở thành gã độc tài đồng trinh. Nửa kia của Hitler như một cỗ máy thời gian, giúp người đọc có cơ hội sắp đặt lại lịch sử chỉ bằng cách hình dung: Điều gì sẽ xảy ra nếu Adolf Hitler cũng như Adolf trúng tuyển Đại học Mỹ thuật Viên? Giả định đó liệu sẽ tác động thế nào đến Thế chiến II, đến cuộc đại đồ sát dân Do Thái, đến số phận của nhà nước Israel…
Tình huống của Eric-Emmanuel Schmitt khiến độc giả bất chợt nhận ra, thế giới rộng lớn với hàng tỷ con người thực ra là một mối liên kết vững chắc và đầy phụ thuộc lẫn nhau. Một sự cố nhỏ xảy ra với một cá nhân - một mắt xích của vũ trụ hoàn toàn có thể xô lệch cả khối kết cấu. Nhưng ở tầng triết lý sâu hơn, Schmitt thêm một lần nữa dấn thân đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Điều gì tạo nên con quái vật Hitler? Môi trường, sự ngẫu nhiên của số phận hay cá tính, sự lựa chọn có tính toán của một cá nhân đối với cuộc đời mình. Chính nhà văn khẳng định: “Tôi đặt tên cho tác phẩm là La part de l’autre vì tác phẩm nói đến Hitler và nửa kia của y là Adolf H. Nhưng tên tác phẩm còn mang một ý nghĩa thứ hai đậm màu triết học. Hitler thật tự giam chặt mình, không giao tiếp với ai, trở thành một nhà kiến thiết lãnh đạm với tất cả những gì ngoài mình. Trong khi Adolf H., nhân vật tưởng tượng, lại mở lòng mình tiếp nhận người khác, anh ta sống cuộc sống của nửa kia một cách rất con người với tình dục, tình yêu, tình phụ tử, giảng dạy và cái chết… Adolf H. mở lòng ra với mọi người, Hitler thao túng người đời, Adolf H. để người đời chiếm một vị trí ngày càng lớn trong cuộc đời mình. Hitler say sưa với những điều y tin chắc, Adolf H bị sự nghi ngờ dày vò; Hitler cho mình là người xuất chúng, Adolf H. nhận ra rằng mình rất tầm thường”.
Eric-Emmanuel Schmitt sinh năm 1960 tại Lyon, là một trong những tiểu thuyết gia ăn khách của Pháp. Ngoài tiểu thuyết, ông còn là một kịch tác gia với những vở kịch hài hước, giàu màu sắc triết học. Văn của ông không kén độc giả bởi nhà văn chủ trương lối viết vừa chiều được giới độc giả tinh hoa bằng những tư tưởng triết học sâu sắc; vừa cuốn hút lớp độc giả bình dân với những cốt truyện giàu chi tiết, giàu tính hài hước. Hiện ông sống và làm việc tại Bỉ.
Tác phẩm được dịch giả trẻ Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ sang tiếng Việt. Dịch giả cho biết: “Tôi coi đây là một thử thách, một bài tập lớn cho chính mình. Để có được một bản dịch nghiêm túc, tôi đã phải đọc rất nhiều tác phẩm của Schmitt, để có được cái nhìn hệ thống về sáng tác của ông, tham khảo hàng loạt sách về chiến tranh và cầu kiến những người làm trong ngành hội họa”.
Với cách nhìn của một người yêu văn chương, anh nhận định: “Tứ truyện giả định cùng lối kể pha trộn giữa hiện thực và hư cấu mà Eric-Emmanuel Schmitt sử dụng không phải là những thủ pháp mới trong đời sống văn học, nhưng tài năng của tác giả thể hiện ở tầm kiến văn rộng, khả năng kể chuyện hấp dẫn, mang đến cho người đọc nhiều nhận thức mới từ những chất liệu đã cũ”.
Sách do công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành
Hitler cũng nghe nhạc Do Thái?
Trong bộ sưu tập các đĩa hát lấy từ tổng hành dinh của Adolf Hitler vào cuối cuộc Thế chiến II người ta phát hiện cả tác phẩm của những nghệ sĩ Do Thái và các nhà soạn nhạc Nga.


      Tạp chí Der Spiegel của Đức hôm qua cho biết con gái vị sĩ quan tình báo quân sự Liên Xô trong Thế chiến II Lev Bezymenski đã công bố bộ sưu tập của mình gồm khoảng 100 đĩa hát do cha bà lấy từ trụ sở Đức Quốc xã ở Berlin, khi thành phố này rơi vào tay Hồng Quân năm 1945.
Bên cạnh những đĩa nổi tiếng có thể đoán trước như khúc dạo đầu “The Flying Dutchman” của nhà soạn nhạc được Hitler yêu thích Richard Wagner, bộ sưu tập trên còn gồm tác phẩm của những nhà soạn nhạc Nga, một dân tộc vốn bị tư tưởng Quốc xã coi là “chưa giống con người”.
Ngoài ra còn có tác phẩm “Boris Godunov” của Modest Mussorgsky do giọng nam trầm người Nga Fyodor Shalyapin thể hiện, một album các tác phẩm của nhà soạn nhạc Tchaikovsky do nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Bronislaw Huberman (1882-1947), một người Do Thái Ba Lan, độc tấu.
        Các tác phẩm của những nhạc sĩ Nga khác như Sergei Rachmaninov và Alexander Borodin cũng xuất hiện trong bộ sưu tập trên. Bên cạnh đó là đĩa của nghệ sĩ dương cầm Do Thái người Áo Artur Schnabel. Gia đình Schnabel đã rời nước Đức khi Hitler bắt đầu nắm quyền và trở thành công dân Mỹ năm 1944.
Tờ Der Spiegel dẫn lời con gái của nhà tình báo Bezymenski cho biết: “Tôi đã phát hiện ra điều kỳ cục trong số đĩa nói trên. Hàng triệu người Slavơ và Do Thái đã phải chết vì hệ tư tưởng về chủng tộc của Quốc xã”.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ số đĩa hát vốn thuộc sở hữu của ai và bản thân Hitler có thực sự nghe chúng hay không, cũng như việc số đĩa được tìm thấy tại đâu trong trụ sở của Quốc xã ở Berlin vào năm 1945. Der Spiegel cho công bố bức ảnh một đĩa hát có nhãn màu xanh “Trụ sở của lãnh tụ Quốc xã” cùng số hiệu kiểm kê.
Cô con gái nhà tình báo Xô Viết chỉ tình cờ phát hiện ra số đĩa vốn được cất trên gác mái ngôi nhà kiểu nông thôn của gia đình ở ngoại ô Matxcơva, năm 1991. Ba năm trước, bà đã thuyết phục cha viết về bộ sưu tập này. “Đây là những đĩa nhạc cổ điển do các dàn nhạc tốt nhất ở châu Âu và Đức cùng với những nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng thời đó trình diễn. Điều làm tôi ngạc nhiên là âm nhạc Nga cũng nằm trong số này”, bà bày tỏ.
Bản thân nhà tình báo năm xưa, ông Lev Bezymenski, cũng là một người Do Thái và ông thường nghe các bản nhạc lấy từ Berlin. Một số hiện bị xước và vỡ nhưng hầu hết đều được bảo quản tốt. Ông cho biết thỉnh thoảng cũng cho các nhạc sĩ Nga mượn đĩa của mình.
Sau chiến tranh, ông Bezymenski trở thành sử gia và một giáo sư của Học viện quân sự Matxcơva. Ông mới qua đời hồi tháng 6 vừa qua, thọ 86 tuổi. Cô con gái ông hiện vẫn chưa quyết định sẽ làm gì với bộ sưu tập đĩa đặc biệt của cha.


Share your views...

0 Lời nhắn " Nửa kia của Hitler "

Đăng nhận xét

Chia sẻ với chúng tôi
Cảm ơn

Quảng cáo giá rẻ